Lịch sử phát triển Trung tâm Đào tạo liên tục

Trung tâm Đào tạo liên tục được thành lập trên cơ sở Viện Đào tạo liên tục theo Nghị quyết số 48/NQ-ĐHBK do Hội đồng Đại học Bách khoa Hà nội ký ngày 8 tháng 8 năm 2023 về việc "Chuyển Viện Đào tạo liên tục thành Trung tâm Đào tạo liên tục trực thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội. Trung tâm Đào tạo liên tục hoạt động theo nguyên tắc tự đảm bảo ngân sách đơn vị, phù hợp với chức năng nhiệm vụ được phê duyệt


Khoa Đại học Tại chức

Ngày 15 tháng 3 năm 1960, 460 sinh viên được tuyển chọn từ khắp miền Bắc đã về trường Đại học Bách Khoa Hà Nội dự khai giảng một khoá học đặc biệt gồm 9 chuyên ngành, mở đầu cho một loại hình đào tạo quan trọng trong hệ thống đào tạo đại học ở nước ta là loại hình đại học tại chức.

Những ngày đầu các lớp này vẫn do Phòng Đào tạo của trường quản lý, tuy nhiên do cách học của các lớp này khác với hệ chính quy nên cần một bộ phận quản lý thích hợp hơn. Chính vì vậy một năm sau đó, ngày 25 tháng 4 năm 1961, khoa "Đại học buổi tối và hàm thụ" được thành lập theo quyết định số 213/QĐ của chính phủ. Đến ngày 22 tháng 3 năm 1963, khoa được đổi tên thành khoa Đại học Tại chức theo quyết định số 103/QĐ của Bộ Giáo dục và mang tên đó cho đến ngày nay. Thời kỳ đầu tiên này, khoa chỉ có 5 cán bộ chuyên trách với Chủ nhiệm khoa là ông Phạm Duy Bình. Địa điểm làm việc của khoa thời kỳ đầu tiên này là 4 phòng thuộc nhà 76 (nhà cấp 4), cạnh hội trường bát giác cũ (nay là trung tâm thể dục thể thao của trường). Mỗi tuần sinh viên có 5 buổi tối lên lớp, hai buổi chiều thứ 7 và chủ nhật đến phòng thí nghiệm nghe phụ đạo hoặc đến các xưởng thực tập. Sau 4 năm phấn đấu của thầy và trò, cuối năm 1964 khoá I  làm lễ tốt nghiệp với 229 kỹ sư đại học tại chức  thuộc 6 chuyên ngành. Năm 1964 Khoa mở khoá "Đại học gửi thư" đầu tiên gồm các ngành Cơ dệt, Thuỷ lợi, Cảng,  Thăm dò địa chất, Địa chất công trình, Khai thác mỏ (các ngành này sau chuyển sang Đại học Xây dựng, Đại học Mỏ - Địa chất năm 1966).

Từ năm 1965 cuộc kháng chiến cống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt. Theo tinh thần chỉ thị 88TTg-VG ngày 5-8-1965 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển hướng công tác giáo dục từ điều kiện thời bình sang thời chiến, từ đào tạo tập trung tại Hà Nội sang sơ tán, phân tán về các địa phương. Cùng với nhà trường, Khoa Đại học Tại chức đã chuyển địa điểm đến Lũng Vài - Lạng Sơn và Yên Mỹ - Hưng Yên (1966) với phiên hiệu giao dịch là " ĐH 866", Việt Yên - Hà Bắc và Kim Bảng - Hà Nam (1967), Kim Bài - Hà Tây và Yên Phong - Hà Bắc (1972).

Đây là những năm tháng khó khăn của sự nghiệp đào tạo, đặc biệt là hệ tại chức. Sinh viên vẫn trèo đèo, lội suối, vượt qua bom đạn để đến lớp học; các thầy vẫn đạp xe đi ngày đi đêm đến các điểm đông sinh viên để phụ đạo kể cả vào tuyến lửa khu IV. Những năm tháng chiến tranh ác liệt này, bên cạnh những đoàn quân rầm rập ra trận là những "đoàn quân" lặng lẽ đi đến các giảng đường nằm trong rừng sâu Lạng Sơn hoặc ở các làng quê Hà Bắc, Hưng Yên, để tiếp nhận kiến thức mới, hiện đại phục vụ trực tiếp cho kháng chiến và âm thầm chuẩn bị cho công cuộc dựng xây sau ngày thắng lợi.

Trở về Hà Nội, từ năm 1973,  khoa ĐH Tại chức được sử dụng 1 nửa nhà D và 1 nửa nhà C để làm nơi quản lý và học tập. Năm 1979, được phép của nhà trường Khoa đã liên kết với Liên hiệp xí nghiệp gạch ngói sành sứ xây dựng để xây dựng 1 dãy nhà cấp 4 làm các lớp học (ở vị trí hiện nay là nhà T), khánh thành vào ngày 19 tháng 5 năm 1980. Khu nhà đơn sơ này đã giải quyết được phần cơ bản phòng học và giúp khoa chủ động hơn trong việc lập kế hoạch học tập. Thời kỳ này ngoài các khoá đào tạo tại trường, Khoa còn mở thêm các lớp ngắn hạn, cấp  "chứng chỉ tốt nghiệp"  cho các cán bộ chủ chốt các cơ quan Đảng và Nhà nước  như Ban tổ chức trung ương, Thành uỷ Hà Nội, Tỉnh uỷ Hải Hưng. Cũng từ năm 1975 Khoa được Trường giao trực tiếp quản lý xưởng in, hàng năm in được hàng chục triệu trang sách (Kho giáo trình của Khoa có lúc lên tới 50 triệu trang), Khoa còn sản  xuất được giấy Stencil (giấy nến để in Roneo) vừa cho xưởng in vừa cung cấp cho nước bạn Lào.

Năm 1986 đất nước bước vào thời kỳ đổi mới  với chủ trương "đa dạng hoá  và mở rộng quy mô, địa bàn đào tạo", "xã hội hoá giáo dục", Khoa bắt đầu thực hiện những bước đi tháo gỡ khó khăn đang trói buộc ngành giáo dục: thu một phần học phí hỗ trợ đào tạo (2000đ /1sinh viên/1 học kỳ), ký hợp đồng đào tạo theo địa chỉ với một số cơ sở như Ximăng Hoàng Thạch, Hoá chất Lâm thao,  Liên hiệp lắp máy, Trung tâm tại chức Nam định, Thanh hoá, Trung tâm bưu chính viễn thông 1, Trường đào tạo bỗi dưỡng cán bộ Cẩm phả. Năm 1990 khoa mở thí điểm  2 khoá đào tạo theo hệ mở rộng  với 1660 sinh viên. Sau 2 năm 432  sinh viên  được cấp chứng chỉ đại cương và 238 sinh viên  đã thi đỗ vào giai đoạn II hệ chính quy. Năm học 1989 - 1990, được sự giúp đỡ của nhà trường, cùng với vốn tự có của mình, Khoa đã xây được hai khu nhà 2 tầng với 15 phòng học, góp phần đáng kể vào việc cải thiện điều kiện học tập cho sinh viên.

Năm 1996 trước yêu cầu phát triển của Trường và Khoa, cơ cấu tổ chức của Khoa được kiện toàn lại. Các tổ Tổ chức, Giáo vụ, Bảo vệ và tổ In đã được sắp xếp lại. Khoa tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương "đa dạng hoá và mở rộng qui mô, địa bàn đào tạo". Số lượng sinh viên vào trường tăng dần theo từng năm học. Từ 1996 (K36) Khoa mở thêm các lớp học buổi tối. Được sự đầu tư của nhà trường tháng 8 năm 1999, Khoa Đại học Tại chức khánh thành và đưa vào sử dụng  khu nhà học 4 tầng gồm 14 phòng  với sức chứa khoảng 1500 sinh viên. Năm 2001 nhà trường đầu tư cải tạo khu nhà C thành khu học tập 11 phòng học, với sức chứa gần 1000 sinh viên. Khu sân trường được cải tạo chống ngập nước, vườn hoa cây cảnh được trồng lại tạo nên một  cảnh quan sư phạm hài hoà  góp phần nâng  cao chất lượng đào tạo của Khoa. Đặc biệt năm 2005 - 2006 nhà trường đã đầu tư hơn 18 tỉ đồng xây dựng lại khu nhà học cho Khoa với 3 đơn nguyên, 30 phòng học với sức chứa gần 3000 sinh viên. Khu nhà học mới đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của Khoa. Năm 2010, Khoa Đại học Tại chức kỷ niệm 50 năm thành lập với những chặng đường gian nan vất vả nhưng cũng đầy những thắng lợi vẻ vang, hòa cùng ngày hội kỷ niệm 55 năm thành lập Trường Đại học Bách khoa Hà Nội anh hùng.

Viện Đào tạo liên tục

Thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng Đại học Bách khoa Hà Nội thành trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trình độ cao và là trung tâm NCKH-CGCN tiên tiến của cả nước, Nhà trường đã tăng cường quy mô đào tạo, đa dạng hóa loại hình đào tạo, mở thêm ngành và chuyên ngành mới, đổi mới căn bản mục tiêu, nội dung chương trình và phương thức đào tạo. Đề án "Đổi mới quản lý đại học - thực hiện cơ chế tự chủ tại Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2011-2015" đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua và cho phép thực hiện thí điểm. Việc thành lập Viện Đào tạo liên tục từ cơ sở nguồn lực, cơ sở vật chất và năng lực tổ chức quản lý đào tạo của Khoa Đại học tại chức là một phần trong kế hoạch chuyển đối cơ cấu tổ chức Nhà trường theo mô hình Trường - Học viện để phù hợp với cơ chế phân cấp tự chủ. Với việc thành lập Viện, Nhà trường sẽ có một đơn vị quản lý đào tạo tự chủ trong việc huy động nguồn lực trong hợp tác đào tạo, tự chịu trách nhiệm, có tư cách pháp nhân, chủ động và linh hoạt hơn trong công tác quản lý đào tạo.

Viện Đào tạo liên tục đã được thành lập trên cơ sở Khoa Đại học Tại chức theo Quyết định số 2616/QĐ-ĐHBK-TCCB ngày 17 tháng 11 năm 2011 của Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Viện Đào tạo liên tục là một đơn vị sự nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Trung tâm Đào tạo liên tục

Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, thực hiện chiến lược phát triển giai đoạn 2017-2025 và Nghị quyết chuyên đề số 85/NQ-ĐU ngày 07/12/2020 của Đảng ủy Đại học Bách khoa Hà Nội về chuyển đổi mô hình tổ chức, xây dựng Đại học Bách khoa Hà Nội tự chủ và hiện đại, Hội đồng Đại học Bách khoa Hà nội đã công bố Nghị quyết số 48/NQ-ĐHBK ký ngày 8 tháng 8 năm 2023 về việc "Chuyển Viện Đào tạo liên tục (ĐTLT) thành Trung tâm Đào tạo liên tục trực thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội.
💥Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã ký Quyết định số 7919/QĐ- ĐHBK ngày 8 tháng 9 năm 2023 bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, Giảng viên cao cấp Trường Điện - Điện tử, giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Đào tạo liên tục.
👉Với vai trò là đơn vị trực thuộc, Trung tâm Đào tạo liên tục hoạt động theo nguyên tắc tự đảm bảo ngân sách đơn vị, phù hợp với chức năng nhiệm vụ được phê duyệt bao gồm:
🍁Tuyển sinh và tổ chức đào tạo.
🍁Thực hiện dịch vụ NCKH, khai thác cơ sở vật chất được giao với sứ mạng "Cung cấp cho người học cơ hội học tập suốt đời với chương trình đào tạo uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp và thích ứng với thay đổi của thị trường lao động trong và ngoài nước".
🍀Trung tâm Đào tạo liên tục xác định giá trị cốt lõi là khẩu hiệu trong mọi hoạt động của mình:
🏆TRÁCH NHIỆM, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO và THÍCH ỨNG trong đào tạo phát triển kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng thị trường lao động🏆
👉Lĩnh vực hoạt động chính của Trung tâm Đào tạo liên tục:
Đào tạo cấp bằng đại học theo các loại hình đào tạo vừa làm vừa học, văn bằng hai chính quy, đào tạo từ xa, cấp bằng kỹ sư chuyên sâu đặc thù; đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cấp chứng chỉ, chứng nhận; đào tạo liên kết với các đối tác trong khu vực và quốc tế cấp bằng/chứng chỉ theo mô hình 2+1 hoặc 2+2; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cũng như cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường lao động trong nước và quốc tế.
📪Thông tin Trung tâm Đào tạo liên tục:
- Tên tiếng Việt: Trung tâm Đào tạo liên tục
- Tên tiếng Anh: Center for Continuing Education (CED)
- Địa chỉ: Số 1 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
- Trụ sở: 94 Phố Lê Thanh Nghị, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Ảnh: PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Trung tâm Đào tạo liên tục
May be an image of 1 person


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu